Đảo Guam nằm ở cực nam của quần đảo Mariana ở phía tây Thái Bình Dương, có chiều dài 48 km từ bắc xuống nam, rộng 6-13 km và có diện tích 549 km2. Đây là trung tâm trung chuyển đường biển và đường hàng không của Tây Thái Bình Dương, cách Đài Loan khoảng 2.500 km, được mệnh danh là “Ngã tư đường bộ của Tây Thái Bình Dương”. Guam có vị trí địa lý hết sức quan trọng, nên có giá trị chiến lược cực kỳ to lớn đối với Quân đội Mỹ.

Guam từ lâu đã được xây dựng để trở thành điểm tựa chiến lược quan trọng trong hệ thống tác chiến của Quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, đồng thời là đầu mối quan trọng kết nối lục địa Mỹ và Đông Á. Hòn đảo này có Căn cứ Không quân Chiến lược Anderson, Căn cứ Hải quân Apra và Không quân Hải quân Agana, cũng như bố trí các sân bay, bến cảng, kho nhiên liệu, kho đạn, doanh trại và trung tâm chỉ huy chiến đấu.

Tại các căn cứ trên, Quân đội Mỹ đã bố trí máy bay chiến đấu tàng hình F-22, UAV trinh sát chiến lược tầm cao RQ-4 Global Hawk; máy bay ném bom chiến lược B-52H, B-1B và B-2A; trực thăng vận tải hạng nặng CH-60, v.v.; 3-5 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp “Los Angeles” mang tên lửa hành trình Tomahawk, 3 tàu tấn công đổ bộ lớp Tarawa,...

Ngoài ra, trên đảo Guam, lực lượng Hải quân và Không quân Mỹ đã triển khai hơn chục nghìn quân, lưu trữ ít nhất 63 tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-86C và xây dựng kho dự trữ nhiên liệu hàng không với sức chứa 216 triệu lít (lớn thứ hai của Không quân Mỹ). Đây cũng là căn cứ bảo đảm hậu cần cho Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hoạt động.

Guam là căn cứ tiền tiêu để Quân đội Mỹ tấn công ra châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. An ninh của đảo Guam sẽ quyết định trực tiếp khả năng tác chiến của Quân đội Mỹ tại các khu vực này. Việc Washington thực hiện "chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", thì Guam càng có vai trò lớn hơn nữa trong thực hiện chiến lược này.

Trong nhưng năm qua, với việc Quân đội Trung Quốc ngày càng hiện đại hóa các loại vũ khí tiến công tầm xa khác nhau và đặc biệt là sự xuất hiện của các loại vũ khí mới, khiến Quân đội Mỹ cảm thấy rằng, đảo Guam không còn an toàn và dễ bị tấn công bởi tên lửa hành trình, tên lửa không đối đất và tên lửa siêu thanh của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo Dongfeng-26 và các tên lửa đạn đạo chiến lược khác mà Quân đội Trung Quốc trang bị, có thể uy hiếp trực tiếp Guam khi phóng cục bộ; đội hình tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc có khả năng chọc thủng vòng phong tỏa của chuỗi đảo thứ nhất qua eo biển Miyako và đánh sâu vào vùng biển phía Tây Thái Bình Dương.

Sau đó máy bay chiến đấu J-15 xuất kích từ tàu sân bay của Trung Quốc, phóng loạt tên lửa không đối đất "Eagle Strike", đưa các căn cứ hải quân và không quân, kho nhiên liệu và kho đạn dược ở Guam vào tầm tấn công của loại tên lửa này.

Cùng với đó, máy bay ném bom dòng H-6 của Không quân Trung Quốc, dưới sự hộ tống của máy bay chiến đấu tàng hình J-20 và không tàng hình như J-16 và các máy bay chiến đấu tầm xa hiệu suất cao khác, có thể tiến hành tấn công bằng tên lửa hành trình tầm xa CJ-20, phóng từ trên không tới đảo Guam bằng cách bay qua eo biển Miyako.

Như vậy là cả hải quân, không quân và lực lượng tên lửa Trung Quốc đều có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hỏa lực nhằm vào đảo Guam trong chiến tranh, khiến Lầu Năm Góc vô cùng lo sợ và đưa ra lời đe dọa “tấn công đảo Guam là tấn công lục địa Mỹ”.

Hiện Lầu Năm Góc đang chi rất nhiều tiền để xây dựng đảo Guam thành một hệ thống phòng không và chống tên lửa “kín kẽ”. Trên đảo được bố trí radar cảnh báo tầm xa AN/FPS-20, radar mảng pha thụ động SPY-1, radar băng tần AN/TPY-2X, radar phòng không và chống tên lửa diện rộng AN/TPY-6, radar phòng không và phòng thủ tên lửa tầm thấp,…

Hệ thống Aegis trên tàu chiến cũng được bố trí trên đảo Guam và nó được kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD và hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow-3 được nhập khẩu từ Israel, có thể đánh chặn nhiều loại tên lửa đang bay tới.

Các tàu tuần dương lớp Ticonderoga 9.500 tấn, dù đã loại khỏi biên chế chiến đấu, nhưng ở trong tình trạng tương đối tốt, được trang bị các bệ phóng tên lửa phòng không Standard-2 và Standard-6 được triển khai tại quân cảng ở Guam và di chuyển giữa các điểm neo đậu. Thực chất đây là các trận địa phòng không di động, làm lực lượng phòng thủ chống tên lửa của đảo Guam.

Tóm lại, Quân đội Mỹ đã và tiếp tục xây dựng Guam thành một trung tâm phòng thủ tên lửa có tầm bao phủ đa hướng và kết nối cao-thấp trước năm 2030. Dự án cốt lõi của hệ thống phòng thủ Guam thế hệ mới là "Hệ thống Aegis Guam".

Trong thời chiến, hệ thống phòng không chống tên lửa có thể nhận được sự hỗ trợ thông tin từ vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa của Lực lượng Không gian Mỹ và cải thiện thời gian đánh chặn, để lực lượng phòng không của đảo Guam đối phó với các tên lửa đang bay tới.

Với các tên lửa đánh chặn PAC-3 MSE, Standard-2, Standard-6, Arrow-3,... Quân đội Mỹ cho rằng, họ có thể đánh chặn hầu hết các tên lửa đang bay tới. Ngoài ra, trên đảo còn bố trí các hệ thống phòng không tầm thấp như "Vòm sắt" của Israel, pháo phòng không 30mm và hệ thống pháo đánh gần MK-15 Phalanx.

Quân đội Mỹ đã không tiếc chi phí để triển khai "Hệ thống Aegis-Guam" ở đảo Guam. Liệu hệ thống này có thể chống lại các cuộc tấn công từ các độ cao và các loại tên lửa khác nhau trong thời chiến, đặc biệt là tên lửa siêu thanh hay không vẫn chưa có thể khẳng định. (Nguồn ảnh: CCTV, CNN, Forbes).